English | Khmer
No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 2184

Điểm tựa giúp đời sống đồng bào Khmer đổi thay

Ngày 08/10/2021, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 06 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đời sống của nhiều hộ đồng bào Khmer trong tỉnh đã có bước phát triển rõ nét, số hộ khá giàu không ngừng tăng lên, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Cùng với đó, diện mạo các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.
 

 

Công trình đường nhựa liên ấp Ô Tưng A - Ô Tưng B - Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè

Là địa phương có trên 30% dân số là đồng bào Khmer, trong những năm qua, huyện Cầu Kè luôn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, đặc biệt là cụ thể hóa Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, các chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn luôn được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Công trình đường nhựa liên ấp Ô Tưng A – Ô Tưng B – Châu Hưng - một trong những dự án được huyện Cầu Kè triển khai thực hiện từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Công trình được đầu tư với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng và được đánh giá là một trong những công trình mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều bà con nơi đây.

Là một người dân sinh sống tại khu vực này, ông Thạch Kiêm cho biết: Do không có đường giao thông nên trước kia, ông và nhiều bà con sinh sống tại đây đều di chuyển qua lại bằng ghe tàu là chính, hàng hóa nông sản đa phần đều bị thương lái ép giá nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi công trình đường nhựa liên ấp Ô Tưng A – Ô Tưng B – Châu Hưng được đầu tư xây dựng, những khó khăn trên đã được khắc phục hoàn toàn. Đối với hộ trồng lúa như ông Thạch Kiêm, thì giá lúa cũng được nâng lên so với trước, đời sống kinh tế nhờ đó mà cải thiện hơn.

Nói về ý nghĩa của tuyến đường đối với bà con ấp Ô Tưng B, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, ông Lê Văn Lộc, Bí thư Chi bộ ấp Ô Tưng B cũng chia sẻ: khi địa phương vận động bà con hiến đất, hiến cây làm đường thì bà con nơi đây rất đồng thuận. Từ khi có tuyến đường mới, bà con nơi đây vô cùng phấn khởi, đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa đều rất thuận tiện.

Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Cầu Kè cũng luôn chú trọng phát triển đời sống kinh tế hộ đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi. Chị Thạch Thị Trúc, một hộ dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, chồng chị làm thuê, chị thì không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2022, chị Trúc được địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 của Chính phủ với số tiền 30 triệu đồng. Nhờ chính sách hỗ trợ này, chị có được nguồn vốn để phát triển mô hình nuôi bò và phát triển kinh tế gia đình. Chị Trúc cho biết đây cũng là động lực để gia đình chị thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.

Toàn huyện Cầu Kè có trên 30% dân số là đồng bào Khmer. Trong những năm qua, đồng bào Khmer địa phương được tiếp cận nhiều chính sách như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn nhà ở, tạo điều kiện sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh. Tính đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện là 0,94%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm 1,32% so tổng số hộ dân tộc. Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc hiện nay đạt trên 65 triệu đồng/người/năm. Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân toàn xã nói chung, đồng bào Khmer địa phương nói riêng, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện đang tập trung rà soát, phân loại nhóm hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời khảo sát nhu cầu của từng hộ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Bà Thạch Thị Sôm Oanh Na, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết: Trong thời gian tới, Phòng dân tộc sẽ phối hợp với các phòng, ban ngành huyện có liên quan cũng như UBND các xã, thị trấn tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện các chương trình dự án trong vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc, nhất là giải quyết nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào, quan tâm tuyên truyền chính sách khuyến khích đồng bào tham gia xuất khẩu lao động, tạo thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con trong phát triển sản xuất cũng như giao thương để đời sống ngày càng phát triển hơn.

Theo tổng kết của Tỉnh ủy Trà Vinh về thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, giai đoạn 2016 – 2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương để xây dựng 685 công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… Tỉnh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng gần 600 công trình cơ sở hạ tầng phục cho yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022- 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc nâng cao mức sống. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.000 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp.

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm. Trong giai đoạn mới 2021 – 2025, tỉnh cũng chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao mức sống cho đồng bào Khmer; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng; từng bước giảm dần, phấn đấu không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh lần lượt ban hành 4 chuyên đề về phát triển toàn diện trong vùng đồng bào Khmer, đó là Nghị quyết số 01 ngày 13/10/1992, Nghị quyết số 06 ngày 10/10/2003, Nghị quyết số 03 ngày 9/9/2011 và gần đây nhất là Nghị quyết số 06 vào ngày 8/10/2021. Ngoài việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề nêu trên thì Tỉnh ủy Trà Vinh còn đưa công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc vào văn kiện Đại hội Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh với công việc chủ đạo là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, có thể thấy rằng, đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang không ngừng đổi thay và có những bước phát triển mới. Chính sự phát triển này đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào Khmer. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Xuân Thảo

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2018
  • Hôm nay: 2889
  • Trong tuần: 6,086
  • Tất cả: 49,315,397

Chung nhan Tin Nhiem Mang