English | Khmer
No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 6392

Dừa sáp, bánh tét - bật dậy giá trị sản phẩm quê hương

Dừa sáp, bánh tét là 02 món ăn đặc sản của người dân vùng quê tỉnh Trà Vinh. Do hương vị đặc biệt, béo thơm nên dừa sáp thường được người tiêu dùng chế biến thành nhiều thức ăn, nước uống khác nhau; bánh tét cũng là món ăn quen thuộc thường góp mặt vào dịp giỗ tổ tiên hoặc Tết. Song, với sự sáng tạo đổi mới, khéo léo trong chế biến của người sản xuất, dừa sáp, bánh tét Trà Vinh đã trở thành món ăn đặc sản và nổi tiếng khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện tham quan, tìm hiểu sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap tại Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020

Giải pháp “Nâng cao giá trị cho đặc sản dừa sáp Trà Vinh”

Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng thứ 02 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre với diện tích hiện nay 23.698ha, tăng 595,78ha so với cùng kỳ. Nhưng để chọn dừa sáp ở đâu ngon thì chỉ có dừa sáp Cầu Kè từ lâu được biết đến là một sản vật độc đáo và nổi tiếng của Trà Vinh.

Cầu Kè là “thủ phủ” dừa sáp của tỉnh xuất hiện ở thập niên 1960, với diện tích hiện nay khoảng hơn 1.000ha tập trung ở các xã Hòa Ân, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè với hơn 45.000 cây, trong đó có 37.000 cây đang cho trái, tỷ lệ sáp đạt từ 20 - 40%, nhà vườn thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Trước đây, dừa sáp là cây trồng chủ yếu để ăn hoặc làm quà biếu, với hương vị đặc biệt và béo thơm của cơm dừa sáp chế biến thành món ăn giải khát thu hút người tiêu dùng và dần trở thành thương hiệu đặc sản của vùng đất Cầu Kè. Từ đó, dừa sáp đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng do áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật như nhân giống bằng phương pháp cấy phôi, kỹ thuật chăm sóc…

Để trái dừa sáp Cầu Kè tự tin sánh vai cùng một số loại trái cây đặc sản khác, Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Công ty) do anh Trần Duy Linh làm chủ đã cho ra nhiều sản phẩm bằng tình yêu quê hương của người con vùng đất Cầu Kè. Dự án giải pháp “Nâng cao giá trị cho đặc sản dừa sáp Trà Vinh” của anh Linh đã đạt giải Nhất tại cuộc thi “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Trà Vinh năm 2020” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh tổ chức. Anh Linh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về quê hương xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè mạnh dạn thành lập Công ty vào tháng 7/2020. Đến tháng 10/2020 Công ty ra mắt sản phẩm kẹo dừa sáp và dừa sáp sợi Vicosap. Tổng doanh thu bình quân đạt 200 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm từ 05 - 10 lao động, thu nhập 04 - 05 triệu đồng/lao động/tháng. Trong quá trình nghiên cứu sản xuất chế biến, Linh đã nhiều lần thất bại với tổng thiệt hại trên 100 triệu đồng. Nhưng với quyết tâm quảng bá đến du khách về đặc sản dừa sáp, tạo điểm nhấn cho người tiêu dùng về sản phẩm không chỉ đẹp hình thức, chất lượng thơm ngon, còn bổ dưỡng, anh Linh sáng tạo chế biến thành công các loại thực phẩm từ trái dừa sáp nhằm nâng cao giá trị cây dừa của địa phương. Với ưu điểm cơm dừa sáp dày đặc, mềm, dẻo cùng với hương vị đặc biệt, Công ty tạo ra các dòng sản phẩm mang thương hiệu Vicosap như: trái dừa sáp hút chân không, kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi Vicosap… đặc biệt sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap là sản phẩm mới lạ tại Việt Nam, làm từ 100% dừa sáp nguyên chất được chế biến thành dạng sợi đóng hộp thủy tinh ăn liền. Giờ đây dừa sáp không chỉ biết đến là một loại dừa đặc biệt của Trà Vinh, còn là loại thực phẩm được chế biến tiện lợi để thưởng thức, làm bánh, nước giải khát.

Sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap và dừa sáp hút chân không

Anh Linh cho biết thêm: để trái dừa sáp đến tay người tiêu dùng vẫn giữ hương vị thơm ngon, Công ty đã đầu tư thiết bị máy hút chân không trái dừa sáp, giúp sản phẩm tăng thời gian bảo quản từ 07 - 10 ngày lên 30 ngày để trong ngăn mát tủ lạnh, chống ẩm mốc, tăng độ thẩm mỹ và trên bao bì có kèm truy xuất nguồn gốc. Kế đến Công ty đổi mới sản phẩm thành kẹo dừa sáp có độ ngọt thanh, béo thơm dẻo của dừa sáp mà không phải bạch nha với 03 hương vị (kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp ca cao). Sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap được chế biến vào hủ thủy tinh bằng cách cắt sợi, đem thanh trùng có thể bảo quản lâu từ 06 - 09 tháng, sử dụng tiện lợi hơn trái dừa sáp. Với vị ngọt thanh, ít đường, béo nhẹ, không chất bảo quản, phẩm màu và được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì đẹp, sản phẩm rất được người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ.

Bình quân mỗi ngày Công ty sản xuất 01 tấn kẹo, 1.000 hủ dừa sáp sợi Vicosap, 200 - 300 dừa trái hút chân không, riêng mặt hàng kẹo khoảng 1.000 trái dừa tương đương 03 tấn kẹo. Anh Linh cho biết: do giá nguyên liệu dừa sáp ở mức từ 110.000 - 120.000 đồng/trái, nên sau khi chế biến giá sản phẩm bán ra thị trường sẽ khá cao. Chính vì thế, để người tiêu dùng tiếp cận với mặt hàng sản phẩm của Công ty, Linh đã thay đổi “chiến thuật” sản xuất cũng như cải tiến trọng lượng, mẫu mã, bao bì nhằm “thuận mua vừa bán” thu hút nhiều đối tượng khách hàng, cụ thể kẹo dừa sáp nguyên chất giá bán 42.000 đồng/100gram; kẹo dừa sáp ca cao và lá dứa 45.000 đồng/100gram, 135.000 - 210.000 đồng/hủ dừa sáp sợi Vicosap (loại 240 - 380gram),170.000 đồng/trái dừa sáp hút chân không. Hiện Công ty đang thực hiện thu hút và phát triển khách hàng qua các kênh thương mại điện tử và các dòng sản phẩm trên đã được chào bán tại các kênh siêu thị và các nhà phân phối lớn miền Nam. Đặc biệt Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sang các nước Châu Á và các quốc gia Ả Rập.

Theo anh Linh, có được kết quả này ngoài nỗ lực của công ty, còn có sự đồng hành giúp sức của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục chứng nhận có liên quan, kết nối ổn định vùng nguyên liệu sạch và an toàn với hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, liên kết xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Thời gian tới, Công ty sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu cải tiến, nâng cao hơn nữa về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Công ty mong muốn tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về khoa học công nghệ; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, Công ty mong nhận được sự hợp tác của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để góp phần tạo hướng đi mới đầy triển vọng cho trái dừa sáp đặc sản Cầu Kè.

Bánh tét thời đại mới

Đó là ý tưởng sáng tạo sản phẩm mới của chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang sản xuất từ nguyên liệu và hương liệu bánh tét truyền thống của gia đình. Bánh tét Trà Cuôn là món ăn nổi tiếng của người dân tỉnh Trà Vinh, sau khi nấu xong, cắt đòn bánh tét ra đạt yêu cầu phải có màu trắng của nếp nguyên chất, cộng với màu xanh của lá dứa, lá ngót; màu hồng hay màu đỏ cam của lá cẩm và trái gấc, khi ăn có vị dẻo dai của gạo nếp, vị mằn mặn của trứng vịt muối, một chút bùi bùi của đậu xanh, vị béo ngậy của mỡ, thịt heo, lạp xưởng… đem vào máy sấy, đóng gói và thưởng thức bên ly trà nóng thơm phức trong mỗi độ Tết đến xuân về.

Để duy trì nghề gói bánh tét truyền thống và tâm huyết cả đời của bà ngoại và mẹ, chị Phúc đã đặt nhiều tâm huyết vào sự nghiệp sản xuất và bán bánh tét, đúc kết kinh nghiệm nhiều năm của mình để sáng tạo sản phẩm “bánh tét thời đại mới” mà vẫn giữ độ ngon và hương vị truyền thống, hợp khẩu vị người tiêu dùng. Theo chị Phúc, bí quyết làm bánh tét ngon của gia đình là ở khâu chọn nguyên liệu, nếp làm bánh phải sáp nguyên chất, đem vo sạch để ráo, trộn đều với nước ép rau ngót, lá cẩm, lá dứa, trái gấc để tạo màu và mùi. Nhân bánh chọn đậu xanh hạt to đều, mỡ, thịt nạc heo tươi và trứng vịt muối tất cả đều có tẩm ướp gia vị theo kinh nghiệm mỗi người. Công đoạn gói bánh, nấu bánh phải làm đúng kỹ thuật, cột dây vừa đủ chặt, đun đủ lửa phải đều trong nhiều giờ liền… kết hợp với máy hút chân không giúp bánh tét để hơn 10 ngày vẫn không bị hỏng. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về nội dung lẫn hình thức, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc giới thiệu sản phẩm bánh tét thời đại mới trong Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020

Được biết, chị Nguyễn Thị Diễm Phúc  sinh ra trong gia đình có truyền thống gói bánh tét hơn 40 năm, từ nhỏ chị đã ý thức được việc mưu sinh của gia đình bằng nghề gói bánh gia truyền nên trong những ngày đi học từ trung học đến đại học, chị Phúc thay mẹ (bà Hai Lý) xách theo vài đòn bánh tét để bán quảng cáo tìm đầu ra. Từ đó thương hiệu bánh tét Hai Lý nổi tiếng gần xa trong và ngoài tỉnh, với hương liệu, nguyên liệu làm bằng gạo nếp nguyên chất kết hợp với đậu xanh, thịt, mỡ heo và chuối. Để nâng cao chất lượng bánh tét thơm ngon, mềm dẻo, bảo quản lâu, gia đình chị Phúc đã sáng tạo và bổ sung thêm một số nguyên liệu và gia vị như trứng vịt muối, lạp xưởng cùng với lá ngót, lá dứa, lá cẩm, trái gấc để tạo độ ngon và màu bánh tét bắt mắt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ sở bánh tét của gia đình Phúc được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn việc nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, từ đó bánh tét Hai Lý ngày càng phát triển mạnh. Bình quân cơ sở cung cấp tại hệ thống siêu thị của Thành phố Hồ Chí Minh và những đơn hàng của các tỉnh, thành bạn hơn 1.000 đòn/ngày. Vào thời điểm Tết số lượng tăng gấp đôi so với ngày thường, 03 ngày Tết có khi lên tới 10.000 đòn, giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/đòn tùy loại, giải quyết việc làm từ 20 - 30 người, thu nhập 06 triệu đồng/lao động/tháng được tính theo sản phẩm từ công đoạn vệ sinh lá chuối, gói bánh, cột bánh, nấu bánh,… Đặc biệt, trong năm 2020, cơ sở còn được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ, trao giấy chứng nhận ISO 22000:2018, giúp thương hiệu bánh tét Hai Lý ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Chị Phúc cho biết thêm: Bánh tét Hai Lý đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, được nhiều người dân tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, xem đây là quà biếu để tặng người thân vào dịp lễ, tết Nguyên đán. Do trọng lượng bánh nặng 900gram/đòn, nên không tiêu thụ hết trong ngày đối với những gia đình ít người. Ban đầu chị Phúc thay đổi kích cỡ đòn bánh bằng cách gói bánh làm sao đủ nguyên liệu mà đòn bánh phải phù hợp với gia đình có thành viên ít người, lúc thì gói đòn bánh nhỏ lại, khi thì gói đòn bánh lùn xuống vài phân,… kết quả không ra đòn bánh truyền thống. Cuối cùng, chị đã nghiên cứu ý tưởng đổi mới sáng tạo bằng cách vẫn “giữ chuẩn” đòn bánh tét truyền thống, sau đó cắt thành 05 khoanh bánh, rồi đem khoanh bánh đưa vào máy sấy để nếp không bị chảy xệ và nhân bánh không bị rớt ra bên ngoài, sau đó đóng gói. Thế là sản phẩm bánh tét thời đại mới của chị Phúc đã thành công và đạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tỉnh Trà Vinh năm 2020”. Trọng lượng bánh tét thời đại mới 150 - 200gram/cái, tiện lợi, vừa túi tiền với giá bán ban đầu 15.000 đồng/cái. Do đây là ý tưởng sáng tạo mới nên về mẫu mã và bao bì chưa hoàn thiện, hiện nay chị Phúc đang củng cố về nhãn hiệu, mẫu mã để kịp đưa ra thị trường tết Nguyên đán Tân Sửu 2021./.

Mỹ Nhân

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 979
  • Hôm nay: 1473
  • Trong tuần: 3,254
  • Tất cả: 49,312,565

Chung nhan Tin Nhiem Mang