English | Khmer
No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 5385

Vai trò của liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản

Thực tế cho thấy, liên kết trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản có một số vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo các bên cùng tham gia; tăng tính tự nguyện và tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia liên kết; tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản, nâng cao hiệu quả và vai trò quản lý nhà nước về kinh tế nông nghiệp.

Sản phẩm dừa của Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Dương Phát 
(xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần) một trong những đơn vị liên kết sản xuất và
kinh doanh chuỗi sản phẩm dừa với các doanh nghiệp ngoài tỉnh

Để đẩy mạnh liên kết kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2018 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tuyên truyền, tổ chức lại sản xuất theo hướng dẫn gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX), hộ nông dân để tiêu thụ nông sản cũng như mở rộng sản xuất sản phẩm. Đặc biệt là từ khi Chính phủ triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh Trà Vinh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, sự liên kết sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng tăng. Trong năm 2020, nhờ sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh), sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thành công nhiều liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc thù, sản phẩm OCOP trên địa bàn. 

Điển hình mô hình liên kết đạt hiệu quả ở huyện Tiểu Cần, các HTX trên địa bàn huyện đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ 1.020ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ vi sinh (tương đương 6.732 tấn), lợi nhuận đạt 16 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình gần 2,3 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ thúc đẩy của các tổ chức phi Chính phủ từ nguồn vốn Dự án AMD và SME Trà Vinh đã xây dựng thành công 531ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn Mỹ (NOP-USDA) và Châu Âu (EU) tại các xã Tân Hòa, Tân Hùng, Ngãi Hùng, Tập Ngãi; các sản phẩm dừa hữu cơ này được Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Bến Tre), Công ty Cổ phần Trà Bắc ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10%. Ở huyện Châu Thành, xã Lương Hòa, Long Hòa, Hòa Minh, Hưng Mỹ đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp Châu Hưng ở tỉnh Bến Tre xây dựng 500ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tiêu chuẩn EU, NOP-USDA và liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu mua 152,45ha lúa hữu cơ với giá cao hơn giá thị trường 1,8 lần…

Tại địa bàn huyện Càng Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Huyền Hội cộng tác với HTX nông nghiệp Dân Tiến, HTX nông nghiệp Phú Cần, HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu liên kết với Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (An Giang), HTX nông sản xanh Cần Thơ tiêu thụ 2.000 tấn lúa chất lượng cao, với giá ký kết cao hơn giá thị trường 150 đồng/kg. HTX nông nghiệp Vạn Hưng, HTX nông nghiệp Đồng Tâm, HTX nông nghiệp Đại Phúc đã liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu dừa Bến Tre và Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) bao tiêu sản phẩm dừa trái hữu cơ đạt tiêu chuẩn NOP-USDA, EU với diện tích 763ha; trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP). Trên địa bàn huyện Trà Cú, Công ty Mía đường Trà Vinh ký hợp đồng tiêu thụ mía với HTX nông nghiệp Lưu Nghiệp Anh; HTX nông nghiệp Thành Công liên kết tiêu thụ ớt với 05 công ty trong và ngoài tỉnh (Công ty TNHH hạt giống Vạn Phát, Công ty TNHH sản xuất và chế biến ớt Phạm Tân, Công ty TNHH MTV Trọng Hiếu, Công ty TNHH thương mại sản xuất Phạm Gia, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia Hân Phát) xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Singapore, Malaysia và Hàn Quốc.

Những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị ngày càng tăng. Tuy nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng chỉ khoảng 50% hoạt động có hiệu quả. Tuy đã có một số doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết, liên doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng thực tế việc liên kết này chưa sâu, hiệu quả chưa cao, do quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không đồng đều, không đủ cung cấp khi cần thiết. Hoạt động của các HTX, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Giá nông sản biến động liên tục nên các doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm giá. Các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng liên kết. Nội dung hợp đồng liên kết là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, do đó các bên dễ vi phạm hợp đồng, đây cũng là khó khăn lớn trong quá trình liên kết.

Sản phẩm dừa sáp trưng bày tại hội nghị kết nối doanh nghiệp 
nhằm liên kết sản xuất và xúc tiến thương mại

Theo ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo hướng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản gắn với chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào xây dựng các mô hình chuỗi. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm giá trị gia tăng, cấp mã số vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Song song đó, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá để cập nhật, bổ sung thông tin về đăng kiểm, đăng ký, mẫu sản lượng khai thác, hệ thống giám sát hành trình các tàu cá; phần mềm quản lý sâu bệnh PPDMS 2.0; ứng dụng công nghệ viễn thám “GIS” trong công tác dự tính dự báo về các giống lúa và đặc tính sinh học liên quan đến công tác phòng trừ sâu bệnh; ứng dụng hệ thống bẫy đèn thông minh theo dõi tình hình côn trùng trên lúa, cây ăn trái, rau màu; phối hợp triển khai các điểm quan trắc, phao quan trắc; ứng dụng điện toán đám mây để đo mực nước, độ mặn, pH và độ kiềm tại các cống đầu mối và cửa sông phục vụ công tác quản lý cây trồng; lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước tại hệ thống kênh nổi Cầu Tre, xã Phú Cần; công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha trên cây màu,...

Mẫn Quân

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1117
  • Hôm nay: 1612
  • Trong tuần: 3,532
  • Tất cả: 49,312,843

Chung nhan Tin Nhiem Mang