English | Khmer
No title... No title... No title... No title... No title... No title...
Lượt xem: 2148

Điều kiện tự nhiên tỉnh Trà Vinh

Vị trí địa lý

 Trà Vinh là tỉnh duyên hải nằm ở phía Đông Nam của vùng ĐBSCL, có vị trí trải dài từ 9 031’46’’ đến 10004’5’’ vĩ độ Bắc, 105057’16’’ đến 106036’04’’ kinh độ Đông.

Trà Vinh tiếp giáp về phía Bắc với tỉnh Bến Tre và được ngăn cách bởi sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền), phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng qua ranh giới sông Hậu, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông là biển Đông.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích tự nhiên là 2.390,8 km2 (theo Niên giám thống kê tỉnh Trà Vinh năm 2022), chiếm 5,77% diện tích của khu vực ĐBSCL, với 09 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: Thành phố Trà Vinh, Thị xã Duyên Hải và 7 huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải; có 106 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn.

Những điều kiện đặc thù vị trí địa lý của tỉnh được thể hiện trên các mặt sau đây:

 Thứ nhất, Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn, phía Bắc giáp sông Tiền, phía Nam giáp sông Hậu và lại ở vào vị trí hạ lưu, nơi 2 con sông lớn đổ ra biển với 3 cửa: Cổ Chiên, Cung Hầu (huyện Châu Thành) và Định An (huyện Trà Cú). Phía Đông giáp biển với chiều dài 65 km, trên địa bàn TX Duyên Hải và huyện Duyên Hải. Chính hai dòng sông Cổ Chiên và sông Hậu cùng với luồng tàu trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ đóng vai trò là 3 tuyến đường thủy quan trọng của vùng ĐBSCL trong việc thông thương ra biển Đông, nối với cả nước và quốc tế.

Với vị trí địa lý này, Trà Vinh: (i) Có lợi thế về giao thông thủy, liên kết với các tỉnh trong vùng thông qua hệ thống giao thông vận tải đường thủy nội địa; (ii) Phát triển cảng biển và trở thành cửa ngõ kết nối nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL; (iii) Cơ hội để có đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, tỉnh Trà Vinh cách TP Cần Thơ 90 km và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 200 km nếu đi bằng quốc lộ (QL)53. Khoảng cách giữa Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh chỉ còn 130 km nếu đi bằng QL60. Việc nâng cấp, phát triển các tuyến đường QL53, QL54 (kết nối với TP Hồ Chí Minh thông qua tuyến QL1, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ), tuyến đường QL60, tuyến hành lang ven biển phía Đông đã, đang và sẽ tạo điều kiện nối Trà Vinh với các tỉnh khác trong và ngoài vùng, thực hiện phương án phát triển dựa trên lợi thế nhờ liên kết

Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nóng ẩm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, gió thịnh hành là gió mùa Tây Nam và gây nên mưa lớn; và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, gió thịnh hành phổ biến trong thời kỳ này là gió mùa Đông Bắc.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình của tỉnh Trà Vinh hàng năm từ 25 - 270C, cao nhất vào tháng 4 và thấp nhất vào tháng 1. Vào mùa mưa, nhiệt độ cao nhất khoảng 320C và thấp nhất khoảng 210C. Vào mùa khô, nhiệt độ cao nhất khoảng từ 33 - 340C và thấp nhất khoảng từ 23 - 240C. Tỉnh Trà Vinh có trị số bức xạ trên 15.106 kcal/ha/năm được xếp vào mức cao so với các nơi khác. Số giờ nắng trong năm từ 2.236 đến 2.877 giờ.

- Lượng mưa: Lượng mưa ở Trà Vinh ở mức trung bình thấp (năm 2020 chỉ có 18 1.355mm/năm)và đang có xu hướng giảm dần (năm 2020 chỉ còn 68,1% so với 2016) và phân bổ không ổn định. Lượng mưa có xu thế giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất là huyện Càng Long (1.600 mm/năm) và huyện Trà Cú (1.500 mm/năm), thấp nhất là huyện Cầu Ngang (1.350 mm/năm) và huyện Duyên Hải (1.200 mm/năm). Chế độ mưa nắng phân theo 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm chiếm trên 80% tổng lượng mưa năm, trong đó, lượng mưa cao nhất tập trung vào tháng 9, 10 chiếm khoảng 40%. Ngoài ra cũng có những hiện tượng nắng hạn trái mùa (vào tháng 7,8) và mưa trái mùa trong các tháng mùa khô.

- Độ ẩm trung bình năm dao động từ 83 - 85%, các tháng khô nhất tập trung vào tháng 2 và tháng 3. Lượng bốc hơi nước bình quân nhiều năm của các tháng biến thiên từ 48 mm vào tháng 7 đến 111 mm vào tháng 3. Lượng bốc hơi cao nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, trong thời gian này lượng mưa thấp không đáng kể. Các tháng mùa mưa độ ẩm trung bình cao hơn các tháng mùa khô khoảng 5 - 10%.

- Bão, áp thấp nhiệt đới: thường diễn ra vào các tháng 11, 12 và tháng 01 năm sau. Trà Vinh chịu ảnh hưởng của rìa bão hay áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất và đời sống của dân cư vùng ven biển.

Đặc điểm địa hình

Tỉnh Trà Vinh có địa hình khá bằng phẳng với cao trình phổ biến từ 0,4 - 1,0m so với mực nước biển (chiếm 66% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), không có đồi núi. Các huyện phía Bắc có địa hình bằng phẳng hơn các huyện ven biển.

Cao trình của địa hình tỉnh Trà Vinh được thể hiện như sau:

 - Địa hình cao nhất (trên 4,0m): bao gồm các giồng cát phân bố ở Nhị Trường, Long Sơn (huyện Cầu Ngang); Ngọc Biên (huyện Trà Cú); Long Hữu (TX. Duyên Hải).

- Địa hình thấp nhất (dưới 0,4m): tập trung tại các cánh đồng trũng Tập Sơn, Ngãi Xuyên (huyện Trà Cú), Thanh Mỹ, cánh đồng Ôcàđa (huyện Châu Thành); Mỹ Hòa, Mỹ Long, Hiệp Mỹ (huyện Cầu Ngang); Long Vĩnh (huyện Duyên Hải).

Tuy nhiên, do có hệ thống sông ngòi dày đặc và các giồng cát đặc trưng của các địa phương duyên hải nên địa hình của tỉnh Trà Vinh cũng bị chia cắt khá phức tạp. Nhiều vùng trũng xen kẽ với các giồng cát cao, chiều hướng của độ dốc chỉ được thể hiện trên các cánh đồng. Địa hình dọc theo 2 bờ sông Hậu và sông Cổ Chiên được phù sa bồi đắp hàng năm nên thường cao hơn, vào sâu trong nội đồng bị các giồng cát chia cắt tạo nên các vùng trũng cục bộ. Ở các khu vực này, dễ hình thành nên các loại đất mặn, đất phèn với hàm lượng Cl-, SO4 2- cao, Fe2+, Al3+ và các đất phù sa glây với hàm lượng cao các Cation Fe2+, chất khí H2S, SO4 2- gây độc trong môi trường đất, ảnh hưởng đến chất lượng đất, cây trồng, vật nuôi.

Thủy văn thủy triều

Hệ thống sông, rạch:

Về tổng thể, vị trí của tỉnh Trà Vinh như một cù lao lớn nằm giữa sông Tiền và sông Hậu và cụ thể là nằm ở cuối nguồn hai sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu thuộc hệ thống sông Mê Kông. Đây là nguồn nước mặt cung cấp trực tiếp cho Trà Vinh với khả năng tải nước cực đại bình quân 12.000 - 19.000 m3 /giờ (sông Cổ Chiên) và sông Hậu lên tới 20.000 - 32.000 m3 /giờ. Ngoài hai con sông lớn trên, tỉnh còn có các sông, kênh rạch nội đồng khá phát triển với tổng chiều dài 578 km và 1.876 km kênh cấp I, II tạo nên mạng lưới phân bố khắp bề mặt tỉnh. Các dòng chảy nối liền hệ thống sông rạch trên địa bàn tỉnh, với các địa phương xung quanh và thông ra biển lớn, tạo thành một mạng lưới sông ngòi kênh rạch thông suốt, tạo ra tiềm năng phát triển giao thông thủy nội địa khá phong phú.

Đặc điểm thủy văn:

Trà Vinh nằm ở vị trí sát biển, cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn nên chế độ thủy văn trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ triều biển Đông. Do tác động của triều cường từ sông Cổ Chiên và sông Hậu, sông Mang Thít chảy theo hai chiều nước vào và ra ở hai cửa sông đã tạo nên những vùng giáp nước tại những khu vực tiếp xúc của hai hệ thống sông. Hiện tượng giáp nước cộng với địa hình võng xuống tại khu vực trung tâm đã hạn chế khả năng tiêu thoát nước cho khu vực này cũng như dẫn nước ngọt xuống cho khu vực phía Nam của tỉnh.

Về tình hình ngập úng: do nằm ở cuối nguồn của các dòng sông lớn, khả năng thoát lũ nhanh nên tỉnh Trà Vinh ít bị ngập lũ trên diện rộng như đối với các tỉnh phía thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp); song lại bị úng cục bộ ở các tiểu vùng có địa hình thấp 50 - 80 cm và kéo dài 3 - 5 tháng. Mức ngập chủ yếu 0,4 - 0,8 m chiếm 44,3% diện tích tự nhiên. Ngập úng xảy ra do mưa với cường độ lớn diễn ra trong thời gian ngắn, cộng với mực nước sông dâng cao tạo thành các khu vực giáp nước tại các khu vực có địa hình thấp trũng. Khu vực ngập sâu nhất là ở huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú; khu vực có diện tích ngập nhiều nhất là huyện Trà Cú và huyện Càng Long. Như vậy ngập úng ảnh hưởng không nhiều đến sản xuất lúa, nhưng để sản xuất ổn định, tăng vụ, thâm canh cũng như đa dạng hoa cây trồng cần xây dựng hệ thống kênh tiêu và cống như dự án Tầm Phương.

Thuỷ triều và tình trạng xâm nhập mặn: Trà Vinh chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ bán nhật triều biển Đông qua hai sông Cổ Chiên và sông Hậu. Ảnh hưởng thủy triều giảm dần từ biển vào sâu trong nội đồng, chủ yếu là vùng ven biển. So sánh với cao độ mặt đất, cho thấy việc lợi dụng thủy triều để tưới, tiêu tự chảy là cần thiết để giảm chi phí cho sản xuất. Tuy nhiên, thủy triều cũng gây hậu quả xấu là đưa mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng. Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có 6 vùng ảnh hưởng nhiễm mặn (ranh giới độ mặn trên 4‰).

8 người đã bình chọn

ĐƯỜNG DÂY NÓNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1665
  • Hôm nay: 2159
  • Trong tuần: 4,628
  • Tất cả: 49,313,939

Chung nhan Tin Nhiem Mang